Bài viết bởi ông Khôi Lê – Giám đốc phụ trách mảng Kinh doanh toàn cầu thị trường Việt Nam, Facebook
Ông Khôi Lê – Giám đốc phụ trách mảng Kinh doanh toàn cầu thị trường Việt Nam, Facebook
Nội dung chính
Những biến động trong năm 2020 đã thay đổi tất cả: cách chúng ta sống, làm việc và vui chơi. Khi cả thế giới đang phải đối mặt với những ảnh hưởng của COVID-19 tới kinh tế và xã hội, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp nhìn lại những gì đã qua và lên kế hoạch cho chặng đường sắp tới.
COVID-19 là đại dịch toàn cầu đầu tiên diễn ra trong thời đại kỹ thuật số. Là một công ty công nghệ giúp kết nối hàng tỷ người trên Trái Đất, Facebook nhận thấy quá trình chuyển đổi số được dự báo diễn ra trong 5 năm nhưng trên thực tế chỉ mất vài tháng. [1] Mọi người dành thời gian online nhiều hơn – để liên lạc với nhau, làm việc, mua sắm, chơi game… Con người ngày càng thích ứng với các công nghệ mới nhanh hơn và các doanh nghiệp cũng bắt kịp với xu thế ấy. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều bất ổn, khách hàng ngày càng đặt nhiều kỳ vọng hơn vào các trải nghiệm đối với doanh nghiệp.
Vì thế, các doanh nghiệp hiện nay đang đứng trước cơ hội trở thành động lực phục hồi kinh tế trong thời gian sắp tới. Trong những năm gần đây, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những thay đổi hết sức căn bản tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phát triển. Đến nay, DNNVV chiếm 96,7% tổng số doanh nghiệp cả nước. Sự lớn mạnh cả về số lượng, quy mô hoạt động và cả về nội lực của khu vực DNNVV có tác động to lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội và quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Hàng năm, các DNNVV đóng góp khoảng 40% GDP, nộp ngân sách nhà nước 30%, đóng góp giá trị sản lượng công nghiệp 33%, giá trị hàng hóa xuất khẩu 30% và thu hút gần 60% lao động [2]. DNVVN cần nhanh chóng nắm bắt nhu cầu trực tuyến cũng như trực tiếp của khách hàng, đồng thời tìm ra cách chuyển đổi dịch vụ phù hợp. Rất nhiều doanh nghiệp với quy mô khác nhau đã làm được điều này, trở thành những “người hùng” thể hiện được sự sáng tạo không biên giới của mình. Trước COVID-19, nhiều người cảm thấy ý tưởng về những chuyến bay hay du thuyền ngao du không đích đến là những ý tưởng “điên rồ”. Nhưng hiện nay, vé cho những chuyến đi ấy được bán hết ngay trong vòng vài phút bởi rất nhiều người đang đổ xô để có được những trải nghiệm như vậy.
Facebook đang đứng tại điểm giao của cộng đồng và thương mại, nơi mà các doanh nghiệp có thể được truyền cảm hứng từ những xu hướng đang diễn ra trên nền tảng của mình. Vào đầu năm 2020, Facebook đã chia sẻ về 5 xu hướng nổi bật trên mạng xã hội, bao gồm: di động, video, chia sẻ ngắn hạn (Stories), nhắn tin và thương mại điện tử. Chúng ta đang chuẩn bị bước sang năm mới 2021 và những xu hướng này càng trở nên rõ ràng hơn tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đòi hỏi doanh nghiệp ở mọi quy mô phải thích ứng để kinh doanh trực tuyến. Trong khi các cửa hàng truyền thống vẫn luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, thương mại điện tử chắc chắn sẽ luôn tồn tại cùng cộng đồng.
Dưới đây là 3 xu hướng được Facebook dự báo sẽ có ảnh hưởng lớn và những điểm các doanh nghiệp cần lưu ý để phát triển kinh doanh trong năm 2021.
Di động và video dạng ngắn
Những năm gần đây, nội dung dưới dạng video đang trở nên rất phổ biến, đặc biệt là trong năm 2020 vừa qua, khi mọi người dành nhiều thời gian ở nhà hơn do các biện pháp cách ly và giãn cách xã hội. Livestream đã trở thành một hiện tượng, với số lượng tăng lên tới 45% chỉ trong khoảng tháng 3 và tháng 4 vừa qua [3]. Bên cạnh đó, khu vực Châu Á Thái Bình Dương chiếm tới 77.5% tổng số lượng người xem video trên toàn thế giới. [4] Video dạng ngắn ngày càng được ưa thích, trở thành phương thức giải trí và thể hiện bản thân không thể thiếu đối với nhiều người. [5] 8 trên 10 người ở khu vực Đông Nam Á xem video trên mạng xã hội, và 95% nhưng người xem video trực tuyến ở khu vực này xem video qua nền tảng di động. [6] Riêng ở Việt Nam, người dùng xem trung bình 21 video ở định dạng ngắn, chiếm tới 56% tổng số video họ xem hàng ngày. Những xu hướng này dự báo về sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai của mua sắm trực tuyến kiểu mới: kết hợp giữa giải trí và bán hàng, được dẫn dắt bởi các nhà sáng tạo nội dung và những người tạo nên xu hướng. Vì vậy, để nổi bật trên thị trường, các doanh nghiệp cần chú ý đến việc xây dựng hình ảnh riêng của mình trên môi trường trực tuyến.
Thương mại gắn liền với nhu cầu khám phá
Các doanh nghiệp cần chú ý vào một thực tế, rằng con người hiện đại ở mọi lứa tuổi nay cởi mở hơn với những cách tìm kiếm sản phẩm mới và các phương thức mua sắm mới. Điều này đòi hỏi một tư duy tân tiến để mạnh dạn thử nghiệm các phương thức mua sắm mới như mua hàng trực tiếp trên kênh mạng xã hội, mua hàng qua livestream, click-and-collect (đặt hàng trực tuyến và lấy tại cửa hàng), dịch vụ thuê bao hay ứng dụng các công nghệ mới như thực tế tăng cường (AR). Doanh nghiệp cần xác định lại các kênh và nền tảng mà mình muốn sử dụng. Ví dụ, trong năm 2020, Facebook đã giới thiệu Facebook Shops giúp các doanh nghiệp thiết lập một cửa hàng trực tuyến dễ dàng hơn để khách hàng có thể tiếp cận trên cả Facebook và Instagram. Những phương pháp khác có thể kể đến như đưa khách hàng trải nghiệm cửa hàng thông qua video 360 độ hay thử sản phẩm tại nhà sử dụng bộ lọc AR (VD: thử màu son), hoặc sử dụng quảng cáo có thể tương tác được để khách hàng tiếp cận sản phẩm theo cách thú vị hơn (VD: lái thử xe thông qua ứng dụng). Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên tận dụng các dịp lễ, ngày đặc biệt như “Siêu Sale” 9/9, 10/10, 11/11 để tạo nên hành vi mua sắm mới cho khách hàng như tự tặng quà cho bản thân.
Trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp qua ứng dụng nhắn tin và Thương mại xuyên biên giới
Các ứng dụng nhắn tin là một trong những kênh phát triển nhanh nhất hiện nay để khách hàng liên lạc với doanh nghiệp. Có hơn 175 triệu người trên toàn thế giới nhắn tin tới một tài khoản WhatsApp Business mỗi ngày. Con số này được kỳ vọng sẽ còn tăng hơn nữa. [7] Trong năm vừa qua, tổng số các cuộc hội thoại hàng ngày giữa khách hàng và doanh nghiệp trên Messenger và Instagram cũng tăng lên hơn 40%. Các hệ thống truyền thống như gọi điện hay email cho người bán hàng không chỉ tốn nhiều thời gian và tốn kém cho các doanh nghiệp mà còn ít được khách hàng ngày nay ưa chuộng. Sự chuyển dịch trong cách giao tiếp của con người đòi hỏi các doanh nghiệp cần thiết lập các kênh nhắn tin để trò chuyện với khách hàng về sản phẩm, các vấn đề liên quan đến vận chuyển và những câu hỏi thường gặp. Ngành thương mại đang trong quá trình số hóa mạnh mẽ, tăng thêm cơ hội cho các hoạt động xuyên biên giới. [7] Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kết nối trên diện rộng, tập trung vào những điểm mấu chốt trong trải nghiệm khách hàng.
Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới của thương mại với những sự phát triển chóng mặt. Tuy nhiên, có những điều cốt lõi vẫn không thay đổi: mọi người muốn được tương tác với doanh nghiệp theo cách giữa người với người cùng các trải nghiệm được cá nhân hóa và không bị gián đoạn. Cách mọi người khám phá sản phẩm và dịch vụ mới cũng trở thành những trải nghiệm mang tính xã hội hơn trước đây. Có thể thấy khách hàng bộc lộ rất nhiều phản ứng độc đáo khác nhau thông qua những xu hướng hiện tại, từ việc kết nối với các doanh nghiệp ưa thích thông qua các nhà sáng tạo nội dung hợp tác cùng nhãn hàng, cho đến việc tương tác với các doanh nghiệp nhỏ tại địa phương thông qua livestream trên Facebook. Dù ở quy mô nào, công thức chung để giúp doanh nghiệp không chỉ tồn tại mà còn phát triển hơn nữa chính là: tăng nhận diện, đẩy mạnh trải nghiệm khám phá, thường xuyên trò chuyện cùng khách hàng và cởi mở với thương mại xuyên biên giới.